Quản lý đô thị: Không dễ
Thứ năm, 08/01/2009, 09:45 GMT+7
Hà Nội trên đường phát triển Ảnh: Xuân Chính |
Dự kiến, đồ án sẽ được hoàn thiện vào cuối năm 2009, kịp thời ra mắt vào đúng dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Theo nhiệm vụ tư vấn nghiên cứu quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đó, đến năm 2030, Hà Nội sẽ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục... của cả nước; là một trong những trung tâm kinh tế - giao dịch - du lịch - thương mại của khu vực châu Á - Thái Bình Dương; là Thủ đô văn minh, hiện đại của quốc gia có dân số 100 triệu người...
Thủ đô có 10 triệu dân
Trong khu vực Thủ đô Hà Nội, không gian đô thị cũ hiện có, các đô thị bảo tồn có tính lịch sử - văn hóa truyền thống sẽ được nghiên cứu với yêu cầu chủ yếu là cải tạo, chỉnh trang và hoàn chỉnh cảnh quan, xây dựng các trung tâm tài chính, thương mại hiện đại đẳng cấp quốc tế. Việc chất tải dân số, các hoạt động kinh tế - xã hội tại các khu nhà thấp tầng, thiếu tiện nghi sẽ được giãn dần ra khu vực xung quanh bằng các chương trình nhà ở xã hội và phát triển các khu đô thị mới, nhằm cải thiện môi trường cho đô thị trung tâm. Trong khi đó, không gian khu vực phát triển (được mở rộng đến vùng thoát lũ sông Đáy) sẽ gồm nơi giãn dân cho trung tâm, nơi phát triển đô thị xen kẽ với không gian mở kết hợp công viên, vành đai xanh. Các đô thị mới được lựa chọn trên các yếu tố tự nhiên đặc trưng như cảnh quan sinh thái, cây xanh, dọc sông, hồ lớn... sẽ mang chức năng, hình thái riêng biệt, nhằm giảm tải và tăng cường các chức năng mới của Thủ đô Hà Nội.
Thủ đô Hà Nội hiện tại có diện tích 3.344km2, dân số 6,23 triệu người. Theo dự báo dài hạn đến năm 2030, dân số Hà Nội sẽ tăng lên 10 triệu người. Vì vậy, một trong những yêu cầu khi lập quy hoạch là xác định nguồn quỹ đất xây dựng để đề xuất giới hạn đô thị và các giải pháp sử dụng đất hiệu quả, theo hướng tập trung các đô thị, khu công nghiệp, khu đại học, khu vui chơi giải trí - du lịch, trung tâm thương mại; xóa bỏ tình trạng phát triển đô thị, khu công nghiệp nhỏ lẻ, bám trục đường, phân tán, sử dụng đất kém hiệu quả. Ngoài ra, không gian Thủ đô Hà Nội sẽ được gắn kết với quy hoạch vùng Thủ đô; trong đó Hà Nội, gồm đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh sẽ được liên kết với các đô thị đối trọng như Hải Dương, Bắc Ninh, Hòa Bình, Vĩnh Yên, Phủ Lý để cùng phát triển bền vững.
Quản lý đô thị: Không dễ
Một trong những mục tiêu của việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội là tăng thêm quỹ đất, giải quyết tình trạng quá tải cho Hà Nội cũ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, muốn làm được như vậy thì chậm nhất trong 5-10 năm tới phải hình thành được hệ thống cơ sở vật chất, dịch vụ, việc làm để di dân. Đặc biệt, để kết nối các đô thị vệ tinh với nhau, phải hình thành được hệ thống vận tải nhanh, khối lượng lớn. KTS Ngô Trung Hải, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị - nông thôn (Bộ Xây dựng), một trong những đơn vị phối hợp với tư vấn nước ngoài lập quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội khẳng định, việc kết nối các đô thị chức năng sẽ quyết định sự thành công của đồ án quy hoạch. Nếu không phát triển được hệ thống kết nối này, Hà Nội vẫn cứ co cụm, ùn tắc, dồn nén trong trung tâm và dân cư không muốn đi ra ngoài. Nguồn lực để triển khai các ý tưởng trên, theo ông Hải, chính là tiềm năng vị trí của Hà Nội; là sức hút để nhà đầu tư đổ tiền vào; là cơ chế chính sách đầu tư cho những dự án công cộng... Muốn khai thác tối đa tiềm năng đó, chính quyền đô thị phải năng động, việc quản lý đô thị cũng phải chuyển từ hành chính sang thị trường, tức là chính quyền đô thị phải làm tốt dịch vụ công cộng và bán các sản phẩm đô thị đó trên thị trường, rồi từ nguồn thu đó lại tạo ra dịch vụ tốt hơn cho thành phố.
Tuy nhiên, quản lý một địa bàn rộng lớn như thế nào vẫn là bài toán khó. Bởi đô thị cũ bấy lâu nay vẫn loay hoay với ùn tắc giao thông, vỉa hè bị lấn chiếm, quy hoạch bị phá vỡ, nhà xây dựng sai phép... trong khi có địa phương trước lúc về với Hà Nội, đã tranh thủ cấp đất, cấp giấy phép đầu tư cho hàng loạt dự án. Bốn xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung, vốn thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình) là ví dụ điển hình; mặc dù diện tích nhỏ, điều kiện khó khăn, nhưng có tới hàng chục dự án được cấp phép đầu tư ồ ạt trong những ngày trước khi sáp nhập; thậm chí có dự án được cấp thẩm quyền ký hàng loạt quyết định trong vòng một ngày.
Xây dựng một Thủ đô rộng lớn, văn minh, hiện đại là mong ước, nhưng cũng đầy nỗi lo toan.
Theo baomoi.com
Các tin khác :
- Chung cư bị bỏ mặc vì 'thiếu tiền' (07/01/2009)
- 3 nguy cơ trong phát triển đô thị ở TPHCM (06/01/2009)
- Nhà xã hội không đủ để kích cầu (06/01/2009)